Đặc điểm của kế toán xây dựng
Hiện nay, các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ngày càng nhiều. Ngành xây dựng hoạt động ở một số lĩnh vực chủ yếu như: thiết kế, thi công và quản lý các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, các công trình nhà nhiều tầng và các công trình công nghiệp. Nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, cũng như rất nhiều các công trình xây dựng khác đang ngày càng phát triển cao trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay. Đó chính là nhu cầu được sống và làm việc trong môi trường cơ sở vật chất ngày càng tiện nghi, hiện đại. Chính vì thế, những Doanh nghiệp xây dựng cần nhiều những kế toán hơn, cũng bởi lẽ này mà số lượng kế toán xây dựng ngày càng đông đảo hơn.
Do đặc điểm về sản phẩm của ngành xây dựng hoàn toàn khác với các ngành sản xuất kinh doanh khác nên công tác kế toán trong lĩnh vực này cũng có những đặc điểm khác biệt. Là một kế toán xây dựng, bạn cần phải lưu ý những vấn đề sau:
- Phải tập hợp chi phí cho từng hạng mục, từng công trình,
- Phải theo dõi qua nhiều kỳ kế toán,
- Khi công trình hoàn thành, kế toán cũng phải tính giá thành cho từng công trình cụ thể.
- Vật tư xuất dùng phải phù hợp với định mức dự toán.
- Phân bổ chi phí cho các công trình phải tương ứng với thời gian và giá trị công trình.
- Trích dự phòng bảo hành công trình vào giá thành và hạch toán chi phí bảo hành nếu có
- Phải cập nhật các văn bản của nhà nước liên quan đến giá đất đền bù
Vậy, kế toán xây dựng làm những việc gì?
- Kiểm tra tình hình thực hiện các định mức chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí sử dụng máy thi công và các chi phí dự toán khác, phát hiện kịp thời các khoản chênh lệch so với định mức, các chi phí khác ngoài kế hoạch, các khoản thiệt hại, mất mát, hư hỏng…
- Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giá thành, hạng mục công trình từng loại sản phẩm, đề xuất khả năng và các biện pháp hạ giá thành một cách hợp lý và có hiệu quả.
- Xác định đúng đắn và bàn giao thanh toán kịp thời khối lượng công tác xây dựng đã hoàn thành. Định kỳ kiểm kê và đánh giá khối lượng thi công dở dang theo nguyên tắc quy định.
- Lập báo cáo về chi phí sản xuất, tính giá thành công trình xây lắp, cung cấp chính xác kịp thời các thông tin hữu dụng về chi phí sản xuất và giá thành phục vụ cho yêu cầu quản lý của Giám đốc.
- Làm Báo cáo tài chính và các báo cáo nội bộ phục vụ cho việc quản trị.
- Sắp xếp, lưu trữ, quản lý hồ sơ, chứng từ kế toán một cách khoa học.
- Làm các công việc khác, do cán bộ lãnh đạo phân công
Comments
comments